Một năm sau thảm kịch Halloween tang thương ở Itaewon

Đây là đêm hội Halloween đầu tiên của Ruphi Kang sau hai năm hạn chế vì đại dịch ở thành phố Seoul, Hàn Quốc.

Cô sinh viên trường đại học ở Hàn Quốc vui vẻ chụp hình cùng những người cũng bận đồ hóa trang tại khu giải trí về đêm nhộn nhịp Itaewon cách đây một năm.

Khi cô đang cố gắng rời khỏi Itaewon thì mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn.

Con đường và con hẻm gần quán rượu của bãi biển Waikiki chật kín với làn sóng người người chen lấn nhau để nhanh chóng rời khỏi khu phố đêm Itaewon.

Ruphi nói với BBC: “Tôi đang giúp một đứa trẻ bên cạnh khi nó đang khóc và nhận ra rằng mình là người tiếp theo đè nghẹt”.

“Tôi bị khó thở đến mức không thể hét lên để kêu gọi giúp đỡ vì biết rằng mình sắp tắt thở và tôi đã rất sợ hãi.”


Đó là tối thứ Bảy, đêm trước Halloween. Ruphi chạy thoát khỏi đám đông và đến Waikiki—ngay chỗ dốc của con hẻm. Cô nghỉ lấy sức một tiếng trước khi cố gắng thoát khỏi tình trạng tắc nghẽn để đến ga Itaewon.

“Tôi và bạn tôi đều nhận ra rằng cả hai chỉ cần thoát khỏi (đám đông) bằng cách đi qua con hẻm hẹp, nên không còn lựa chọn nào khác. Chui vào đám đông có nghĩa là chúng tôi sẽ lại bị đè nghẹt lần nữa,” Ruphi giải thích.

Lần này, vào khoảng 21h30, tức chỉ 30 phút trước khi đám đông giẫm đạp dẫn đến chết người, Ruphi đã thoát ra được.


Bản đồ toàn cảnh khu vực Itaewon

Nửa tiếng sau, tại nơi Ruphi từng đứng, vợ chồng nhà văn du ký người Thụy Điển Sia Patricia Lilja đang cố gắng thoát khỏi tình trạng chen lấn.

“Chúng tôi nhận thấy tình trạng đám đông dồn ép nhau ngày càng chật cứng. Mọi người đều cố gắng đi qua (con phố) và nó càng trở nên đông hơn nữa. Đột nhiên, tôi không thể di chuyển và tai nạn xảy ra trên chính con phố này”, Sia nói.

“Cảm giác việc tôi chỉ cách 160 người xấu số một bước vẫn ít nhiều còn hằn trong tâm trí tôi.”



Thông tin chi tiết về nạn nhân của thảm kịch Itaewon
Những đôi giày của các nạn nhân trong thảm kịch lễ hội Halloween Những đôi giày của các nạn nhân trong thảm kịch lễ hội Halloween

Cả cảnh sát Hàn Quốc lẫn chính phủ đều thất bại trong việc kiểm soát và quản lý đám đông dự kiến, ​​trước khi thiệt hại xảy ra.

Người dân đã cảnh báo qua 11 cuộc gọi đến đường dây nóng của cảnh sát 112 trước vụ giẫm đạp.



Itaewon có thể không giống như những gì được mô tả trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Tầng lớp Itaewon” và những gì Ulfa Al Hanif hằng mơ ước.

Ulfa, một cô gái Indonesia đến thăm đất nước này để hồi tưởng lại những địa điểm bấm máy trong phim, đã rất thất vọng.

Ulfa đã kinh qua việc cảm thấy khó thở và bị đám đông xô đẩy.

Ulfa nói với BBC: “Nếu đám đông di chuyển sang bên phải thì chúng tôi phải đi theo, nếu đám đông đẩy bạn về phía trước thì bạn phải nương người về phía trước”.

Ulfa bị tách ra khỏi nhóm bạn trước khi tìm cách thoát ra khỏi đám đông bằng cách nấp vào góc thùng rác và leo lên dải phân cách để đến con đường thoáng hơn.

“Tôi thấy buồn và có lúc không muốn nói chuyện với báo giới. Nhưng bây giờ tôi ổn hơn rồi”, Ulfa nói.

Ga Itaewon 29 tháng 10 năm 2022, 19:20
Ga Itaewon
Phố ẩm thực thế giới 29 tháng 10 năm 2022, 22:14
Phố ẩm thực thế giới
Đoạn lên dốc của con hẻm 29 tháng 10 năm 2022, 22:21
Đoạn lên dốc của con hẻm
Đường Bogwang 30 tháng 10 năm 2022, 00:50
Đường Bogwang


Đầu năm nay, Đơn vị Điều tra Đặc biệt của Cảnh sát Hàn Quốc đã tiết lộ video CCTV trên con hẻm và nơi gần đó. Họ kết luận rằng đám đông nhiều gấp sáu lần so với bình thường.

Bi kịch bắt đầu khi một số người trên Phố Ẩm thực Thế giới bị đẩy xuống từ con hẻm dốc, khiến nhiều người khác dễ bị ngã và đè chồng lên nhau.

Đến 22h25, khoảng 10,7 người bị dồn ép trên một mét vuông, dẫn đến việc khó thở, tổn thương các cơ quan và nghẹt thở. Các chuyên gia gọi đó là hiện tượng “đám đông đè ép" - khi mọi người khó có thể cử động cơ thể của mình.

Baek Seung Joo, Giáo sư An toàn Phòng cháy chữa cháy tại Đại học Open Cyber ​​ở Hàn Quốc giải thích: “Mỗi người bị đè lên bởi trọng lượng tương đương với 20 người. Số lượng đó rất nặng, ngay cả lực lượng cứu hộ cũng không dám đưa họ ra ngoài”.


Rủi ro đám đông chen lấn ở Itaewon

Ai đứng ra chịu trách nhiệm và chuyện gì đã xảy ra những gia đình mất người thân?

Đội điều tra của cảnh sát đặc biệt Hàn Quốc đã kết thúc 74 ngày điều tra về vụ đám đông chen lấn chết người với 23 quan chức chính phủ bị truy tố về tội sơ suất nghiệp vụ gây chết người và các cáo buộc khác.

Họ kết luận vụ giẫm đạp là một thảm họa "do con người tạo ra", vì chính quyền không đưa ra các biện pháp phòng chống thảm họa và ứng phó kịp thời với tình huống khẩn cấp.

Một tháng sau áp lực lớn từ dư luận, Quốc hội Hàn Quốc đã luận tội Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lee Sang-min, kêu gọi chịu trách nhiệm về thảm kịch. Tuy nhiên, vào tháng 7, tòa án đã bác bỏ cáo buộc luận tội: “Thảm kịch ở Itaewon là hệ quả của nhiều thứ chứ không phải một yếu tố cụ thể”.

Bộ trưởng Lee Sang-min viếng điểm tưởng niệm bên ngoài Tòa thị chính Seoul Bộ trưởng Lee Sang-min viếng điểm tưởng niệm bên ngoài Tòa thị chính Seoul

Gia đình tang quyến không dừng lại ở đó và liên tục kêu gọi chính phủ tiết lộ sự thật đằng sau thảm kịch.

Vào tháng 4, một dự luật đặc biệt đã được đề xuất lên quốc hội nhằm điều tra sự thật phía sau thảm kịch, bảo vệ quyền lợi của gia đình nạn nhân và đề ra biện pháp an toàn để ngăn chặn tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai.

Gia đình của những người thiệt mạng trong thảm kịch Itaewon, những người có đạo và các thành viên của Hiệp hội Biện pháp Đối phó của Công dân cùng diễu hành trước Seoul Plaza để kỷ niệm 300 ngày xảy ra thảm kịch

Gần một năm sau, Quốc hội Hàn Quốc vẫn chưa thông qua dự luật qua các phiên họp đại biểu toàn quốc dù các nhà lập pháp thuộc do phe đối lập dẫn đầu đã chỉ định đây là một dự luật cần tiến hành nhanh chóng.


Liệu Itaewon có an toàn để đến không?

Theo Giáo sư Joo, sau tai nạn, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng tiến hành các hoạt động liên quan đến việc mô phỏng đám đông và đánh giá rủi ro về đám đông, dù cho “tiến trình còn chậm”.

Một trong số bước đó là phương pháp đánh giá nhiều đám đông được thiết kế bởi Viện Công nghệ Seoul—một tổ chức trực thuộc Chính quyền Thành phố Seoul.

Ngược lại, xã hội Hàn Quốc hiện nay đã nhận thức được nguy cơ về mật độ đám đông và tình trạng chen lấn. Ở trường học, các giáo viên đang dạy học sinh cách thực hiện hô hấp nhân tạo và sơ cứu những người bị ngạt thở.

Ngoài ra còn có một phong trào tự nguyện từ người dân, nhà tổ chức và các tổ chức liên quan “tiến hành đánh giá và tham vấn sơ bộ nếu dự kiến có đám đông ở bất kỳ quy mô nào, chẳng hạn như đường phố, ga tàu điện ngầm, sân vận động và địa điểm tổ chức sự kiện”.

Xã hội Hàn Quốc rõ ràng, như Giáo sư Joo nhớ lại, đang rút ra học bài học từ quá khứ. Những đánh giá như vậy sẽ ngăn chặn tai nạn giẫm đạp xảy ra lần nữa.

Giáo sư Joo cho biết: “Khu vực Itaewon không nguy hiểm đối với người nước ngoài đến tham quan”.

Những người tiếc thương bày tỏ lòng thành kính trước điểm tưởng niệm chung bên ngoài Tòa thị chính Seoul vào ngày 1 tháng 11 năm 2022 Những người tiếc thương bày tỏ lòng thành kính trước điểm tưởng niệm chung bên ngoài Tòa thị chính Seoul vào ngày 1 tháng 11 năm 2022

Sau một năm...

Itaewon sẽ không còn là nơi như trước nữa. Nếu bạn ra khỏi lối ra số 1 của ga Itaewon rồi đi bộ về phía trước khách sạn Hamilton và rẽ phải vào con hẻm chết chóc Itaewon, bạn sẽ thấy bức tường dán đầy giấy ghi chú – đây là không gian tưởng nhớ và thương tiếc cho các nạn nhân. Bằng cách này, sẽ không ai quên đi thảm kịch thảm khốc.

Một bức tường tưởng niệm ở đoạn cuối dốc của con hẻm

Nếu đi dạo vòng quanh nơi này, bạn sẽ thấy hiện có 17 camera quan sát đang được lắp đặt – cao hơn gấp 5 lần so với trước đây.

Đối với gia đình tang quyến, bi kịch vẫn ám ảnh họ, trong khi đối với những người sống sót như Ruphi và Sia, bi kịch để lại cho họ vết thương tổn khôn nguôi.

Ruphi lúc đầu không thể chịu đựng được cú sốc - cô không thể ngủ được trong vài ngày và cần phải nghỉ học và tránh sử dụng mạng xã hội. Cô nói: “Cảm giác ‘tội lỗi’ vì là người sống sót đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi.

“Gần một năm sau, tôi đã khỏe hơn nhiều và trở lại cuộc sống bình thường nhưng thi thoảng tôi vẫn nhớ chuyện đã xảy ra.”

Sia sẽ bay trở lại Hàn Quốc vào tháng 10 này nhưng vẫn chưa quyết định có nên ghé thăm khu phố đêm sôi động bậc nhất thành phố hay không.

“Itawon là nơi đầy bi kịch nhưng thực tế không phải vậy. Tôi thực sự không biết (nếu tôi muốn quay lại), đó là một cảm giác lẫn lộn kỳ lạ,” Sia nói.

“Âm thanh của còi báo động và đám đông luôn khiến tôi nhớ đến sự việc Itaewon,” Sia bày tỏ sự ám ảnh của mình.



Danh đề

Tường thuật và sản xuất tương tác: Aghnia Adzkia
Biên tập: Ana Lucia, David Oh, Vandana Vijay
Thiết kế: Arvin Supriyadi and Ismail Moneer
Phát triển đồ họa: Ayu Widyaningsih Idjaja
Hỗ trợ tường thuật: Jungmin Choi, Yuna Ku, Bùi Thư, BBC tiếng Hàn
Nguồn ảnh: Getty Images, Facebook, VKontakte, Instagram, Twitter, Jungmin Choi
Nguồn video: Sia Patricia Lilja và Ulfa Al Hanif