Luis Quinones của Tigers UANL tự dội nước lên người trong trận bán kết Fifa Club World Cup tại Sân vận động Thành phố Giáo dục Qatar vào tháng 2/2021 ở Doha.

World Cup 2022: Các cách tuyệt vời làm mát sân vận động ở sa mạc

Khi quốc gia vùng Vịnh Qatar được chọn làm chủ nhà của World Cup 2022, người ta không khỏi ngạc nhiên, từ những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của vương quốc này cho đến những thách thức thực tế về hậu cần như là các cầu thủ và người hâm mộ sẽ đối phó như thế nào ở một đất nước có nhiệt độ trên 40 độ C?

Rời giải đấu sang mùa đông là một đáp án. Nhưng quốc gia sa mạc giàu có này vẫn hứa hẹn để lại một di sản triệt để: những tiến bộ về công nghệ sẽ giúp việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn có thể diễn ra quanh năm, thậm chí ở những quốc gia nóng nhất. Cầu thủ bóng đá người Qatar Hajar Saleh cho biết cái nóng và độ ẩm khiến việc chơi bóng trong khu vực trở thành một thách thức lớn.

Vậy họ sẽ làm như thế nào để các cầu thủ và khán giả cảm thấy dễ chịu mà không quá tốn kém?

Sân vận động Al Janoub nhìn từ trên cao với những mũi tên lớn màu đỏ cho thấy không khí ấm áp

Giữ cho sân cỏ và khán đài mát mẻ đòi hỏi những giải pháp sáng tạo khác. Hãy nhìn vào bên trong.

Vào những ngày thi đấu, 40.000 người lấp đầy các khán đài, mỗi người là một nguồn nhiệt và độ ẩm.

Sự kết hợp ngột ngạt giữa nhiệt độ môi trường của Qatar và sức nóng được tạo ra trong sân vận động đòi hỏi một hệ thống làm mát hiệu quả.

Cổ động viên trên khán đài được làm mát bằng không khí được thổi vào qua các lỗ thông khí dưới mỗi ghế ngồi.

Các vòi phun nhỏ, hoạt động giống như vòi hoa sen, cho phép không khí khuếch tán và bao phủ khắp khán giả.

Luồng khí thổi nhẹ nhàng, thay vì thổi thành một tia tập trung như lỗ thông khí trên máy bay.

Điều này có lợi cho cổ động viên, nhưng còn các cầu thủ trên sân đấu thì sao?

Cầu thủ bóng đá hiện đại có thể chạy hơn 10km trong một trận đấu, mất tới 3 lít mồ hôi, vì vậy họ cần giữ mát và giữ nước.

Hình ảnh đồ họa cho thấy bên trong Sân vận động Al Janoub ở Qatar với sân đấu và khán đài có màu xanh thể hiện sự mát mẻ.

Trong môi trường ẩm ướt của Qatar, mồ hôi khó bay hơi hơn và cơ thể có thể quá nóng, gây nguy cơ kiệt sức vì nóng.

Vì vậy, ở World Cup Qatar, không khí lạnh được thổi từ các vòi phun lớn vào sân vận động để giúp tạo ra một lớp không khí mát trên sân.

Chuyên gia về điều hòa khí hậu, người đã giúp phát triển hệ thống, Tiến sĩ Abdul Ghani, cho biết góc đặt các lỗ thông khí, vị trí và cách thức không khí lạnh tản ra, có nghĩa là các cầu thủ sẽ gần như không cảm thấy gió nhẹ.

Kết quả là tạo ra một bong bóng khí mát trong sân vận động, không cao quá 2m so với mặt đất hoặc khán đài, thay vì không khí lạnh thổi vào bầu trời sa mạc. Vậy điều gì xảy ra tiếp theo?

Khi không khí mát ấm trở lại, nó được hút ra ngoài thông qua các quạt thông gió ở khu vực tầng giữa.

Sau đó, nó được lọc, làm mát lại và bơm trở lại sân vận động, hoàn thiện quá trình làm mát.

Sau khi nước lạnh hấp thụ nhiệt, nó được bơm tới một bể chứa khổng lồ 40.000 lít, cách đó 3km, nơi nước được làm mát lại, sẵn sàng cho trận đấu ngày hôm sau.

Đồ họa nhìn ngang sân vận động với các tấm pin mặt trời

Toàn bộ hệ thống làm mát được cung cấp năng lượng bởi một nhà máy năng lượng mặt trời mới xây dựng gần đây, cách trung tâm thủ đô Doha của Qatar khoảng 80km.

Tiến sĩ Làm mát

Người đã nghĩ ra toàn bộ hệ thống, Tiến sĩ Saud Abdul Ghani, nói với BBC rằng Qatar muốn tạo ra một di sản để phục vụ đất nước lâu dài sau khi các cầu thủ trở về nước.

Ông cho biết nhiều năm nghiên cứu sâu về cái mà ông gọi là "sự thoải mái nhiệt", đã tạo ra một môi trường dễ chịu cho số lượng người tối đa. Những cuộc trò chuyện với vận động viên và người hâm mộ tại Giải vô địch Điền kinh Thế giới, được tổ chức ở Qatar năm 2019, đã giúp thông báo về thiết kế sẽ mang lại lợi ích cho du khách và các cầu thủ tại World Cup.

Quan điểm của một cầu thủ

BBC đã liên hệ với Hajar Saleh, hậu vệ của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Qatar và là một cầu thủ từ năm 11 tuổi. Cô ấy biết tất cả về nhu cầu chơi thể thao đỉnh cao trong điều kiện khắc nghiệt. Cô nói rằng độ ẩm là thách thức lớn nhất.

Chúng ta quen với nhiệt độ, nhưng khi bạn kết hợp nhiệt độ và độ ẩm thì mọi thứ trở nên khó khăn hơn Hajar Saleh

Hajar đã có kinh nghiệm trực tiếp thi đấu ở hai trong số các địa điểm mới với hệ thống điều hòa không khí mới, sân vận động Khalifa và sân vận động Thành phố Giáo dục.

Cô ấy nói rằng nó tạo ra sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là khi thi đấu vào tháng 6, một trong những tháng nóng nhất trong năm ở Qatar.

Hệ thống có bền vững không?

Các nhà tổ chức của Qatar 2022 cam kết rằng nguồn điện để làm mát toàn bộ các sân vận động sẽ không dẫn đến phát thải thêm khí nhà kính, bởi vì nguồn điện này được lấy từ cơ sở năng lượng mặt trời mới của họ.

Nhưng mục tiêu đảm bảo toàn bộ giải đấu trung hòa carbon là một tham vọng táo bạo hơn nhiều.

Lượng carbon 'được thể hiện' - đó là lượng khí thải được tạo ra trong khi xây dựng các sân vận động - chiếm 90% tổng lượng khí thải carbon của các địa điểm, với ước tính khoảng 800.000 tấn khí nhà kính được thải vào khí quyển. Con số này tương đương với việc lái một chiếc ô tô chở khách đi vòng quanh thế giới 80.000 lần, theo tính toán lượng khí thải của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ.

Nhìn ra xa hơn các sân vận động, có cả tác động của phương tiện giao thông đến World Cup, bao gồm cả các chuyến bay đưa người hâm mộ đến Qatar.

Fifa nói rằng tính liên kết của giải đấu, với khoảng cách ngắn giữa các địa điểm có nghĩa là lượng khí thải từ việc di chuyển giữa các địa điểm ở Qatar ước tính thấp hơn một phần ba lượng khí thải được tạo ra tại World Cup Nga 2018.

Những lời hứa xanh về môi trường của Qatar dựa trên việc sử dụng lượng bù đắp carbon để bù lại tất cả lượng CO2 đã thải ra.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ họ hy vọng đạt được điều này như thế nào. Fifa cho biết họ đang sử dụng các công nghệ khác nhau để bù đắp lượng khí thải của World Cup, bao gồm hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải, năng lượng tái tạo và có thể là trồng cây. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng cho các dự án vẫn chưa thể được xác nhận.

Những kế hoạch như vậy có thể mất nhiều thập kỷ trước khi chúng có hiệu quả trong việc thu giữ carbon. Một cuộc điều tra gần đây của BBC cho thấy một số khu rừng được trồng để bù đắp chỉ tồn tại trên giấy.

Vì vậy, sẽ phải mất một thời gian trước khi chúng ta có thể thực sự đánh giá liệu Qatar có đạt được các mục tiêu xanh của mình hay không, hay liệu các tuyên bố về tính bền vững có phải là rất nhiều khí nóng hay không.

Nước này cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích về chi phí nhân lực cao trong số 30.000 lao động nhập cư được sử dụng để xây dựng các sân vận động, trong đó có nhiều công nhân thiệt mạng và bị thương nặng. Cũng có những cáo buộc về lao động cưỡng bức, điều kiện làm việc khắc nghiệt, nhà ở tồi tàn, lương không được trả và hộ chiếu bị tịch thu.

Chính phủ Qatar tranh cãi về những miêu tả này, và khẳng định rằng kể từ năm 2017 họ đã áp dụng các biện pháp bảo vệ người lao động nhập cư khỏi làm việc trong điều kiện nhiệt độ quá cao, giới hạn giờ làm của họ và cải thiện điều kiện trong các trại công nhân. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2021, 50 công nhân đã chết và hơn 500 người khác bị thương nặng ở Qatar trong số tất cả những người tham gia các dự án kết nối với World Cup, theo dữ liệu do Tổ chức Lao động Quốc tế thu thập. Đây là một vấn đề ngoài đường biên khác sẽ vẫn được giám sát trong hồ sơ của vương quốc sa mạc.